4 Tips Chăm Sóc Mèo Ba Tư
Với một khuôn mặt giống như búp bê với đôi mắt to, mèo Ba Tư đã đốn tim rất nhiều con Sen trên hành tinh này, tôi đoán bạn sẽ là người tiếp theo. Vậy hãy xem bài viết này để chăm sóc "hoàng thượng" sứ Ba Tư của mình tốt nhất nhé!
Chăm sóc đôi mắt cho mèo Ba Tư
Mèo Ba Tư hay gặp các vấn đề về mắt do cách cấu trúc khuôn mặt của ẻm. Đó đồng thời là đặc điểm hấp dẫn lạ của mèo Ba Tư - khuôn mặt tròn, phẳng và đôi mắt to.
Đáng buồn thay, chúng lại là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt. Các con sen biết không, mắt của mèo thường hay chảy nước đó là cơ chế tiết lệ để giữ mắt ẩm và giác mạc khỏe mạnh. Nhưng nếu không chú ý lau khô và vệ sinh mắt mỗi ngày sẽ khiến mắt dễ bị nhiễm trùng dẫn đến đau mắt. Bạn có thể lau khô mắt của mèo Ba Tư thường xuyên bằng khăn giấy mềm hoặc bông gòn. Nếu mắt bị đọng ghèn, sử dụng nước muối loãng, ấm thấm vào bông gòn để lau sạch mắt.
Mèo Ba Tư không thể tự làm sạch tai, vì vậy bạn cần chú ý lau rửa tai mèo thường xuyên với nước ấm và bông ngoái tai. Chú ý dùng bông có chất lượng tốt và lau rửa nhẹ nhàng, không lau quá sâu. Ngoài ra bạn cần chú ý biểu hiện ngứa tai của mèo để cắt bớt lông thừa xung quanh tai, nên thực hiện lau sạch tai cho mèo cách 2-3 ngày 1 lần.
Bộ lông dài của bé luôn cần bàn tay “chải chuốt”
Với bộ lông dài của mình, mèo cần được chải lông thường xuyên. Đây là một việc làm mà đa số chúng đều rất thích thú. Với những em mèo trưởng thành, bạn cần chải lông cho chúng mỗi ngày một lần. Mèo Ba Tư con có thể không cần phải chải lông thường xuyên vì bộ lông của chúng chưa mọc dài.
Sen nên sử dụng lược thưa hoặc lược chuyên dùng chải lông chó mèo để hạn chế làm chúng đau. Chải lông cho mèo thường xuyên cũng là cách để mèo của bạn có bộ lông mượt mà và đẹp hơn do các mạch máu dưới da chúng được kích thích lưu thông.
Một cách để giúp con mèo dễ dàng chấp nhận bị chải lông là chải lông ngay trước bữa ăn. Bằng cách đó, con mèo sẽ nghĩ việc được thưởng đồ ăn ngon là từ việc ngoan ngoãn chải lông.
Dinh dưỡng cho mèo Ba Tư cũng không có gì quá đặc biệt
Mèo Ba Tư con dưới 1 tháng tuổi chỉ nên cho bú mẹ vì lúc này hệ tiêu hóa của mèo chưa tốt và cũng chưa có răng để nhai. Bắt đầu từ 1 – 2 tháng tuổi, bắt đầu cho bé ăn dặm với cháo loãng trộn với nhiều thịt xay thật nhuyễn. Mèo cứng cáp hơn bạn có thể giảm dần độ loãng của thức ăn. Khối lượng thức ăn mỗi ngày với mèo ở độ tuổi này từ 25 – 40g / ngày nên chia là 5 bữa để dễ hấp thụ.
Mèo con từ 2 – 4 tháng tuổi. Lúc này đã khá cứng cáp, chỉ cần cho ăn 3 bữa / ngày, với khối lượng 40 – 65g. Thời gian này có thể bắt đầu tập cho mèo ăn các loại thức ăn khô đóng gói, vì không phải lúc nào cũng có thời gian để tự nấu.
Mèo từ 4 tháng tuổi trở lên. Lúc này đã được coi là cỡ nhỡ, chỉ cần cho ăn 2 bữa / ngày với khối lượng từ 60 – 80g cho mèo nặng dưới 3kg, và 80 – 130g cho mèo nặng trên 3kg.
Mèo là động vật ăn thịt, chế độ ăn của chúng phải có nhiều thịt. Chúng rất thích thịt bò và “bình dân hơn” thì thịt gà hoặc cá. Sen nên hạn chế cho ăn thịt lợn vì thịt lợn nhiều mỡ, nhưng nội tạng lợn như gan, tim, bầu dục, óc thì rất tốt, tránh cho mèo ăn thịt hoặc nội tạng sống. Đồng thời nên cho ăn thêm các loại rau củ quả - xay nhuyễn sẽ tốt hơn để bổ sung thêm vitamin và tăng cường đề kháng.
Hãy nhớ cho mèo đi tiêm phòng đúng lịch
Mèo Ba Tư dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp vì ẻm không có nhiều sự bảo vệ chống lại mầm bệnh do là giống mặt “tịt”. Thông thường, các em mèo có thêm một lớp “phòng thủ” trong mũi giúp loại bỏ vi khuẩn và các mầm bệnh khác nhưng mèo Ba Tư lại thiếu lớp phòng thủ bổ sung này.
Bởi vậy, việc đưa mèo của bạn đến bác sĩ thú y để được tiêm vắc-xin là rất cần thiết.
Nếu bạn thấy mèo của bạn khó thở hoặc hắt hơi không kiểm soát, bạn nên đưa nó đến bác sĩ thú y.
Viết bởi Pety
Là thành viên Pety kể từ Thứ Hai, ngày 23 tháng 12, 2019Ứng dụng thú cưng tiên phong tại Việt Nam