Covid-19 Có Lây Từ Người Sang Chó Mèo Và Ngược Lại Hay Không?
Thế giới chưa ghi nhận trường hợp người có thể lây nhiễm COVID-19 cho chó mèo và ngược lại. Nhưng về mặt cơ học, chó mèo có thể là trung gian tiếp xúc. Do đó, không nên cho chó mèo ra đường, tránh tiếp xúc với người lạ khi dịch bệnh còn đang căng thẳng!
Những ngày qua trên mạng xã hội liên tục lan truyền câu chuyện nói rằng nhiều người tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, không đi ra ngoài và không tiếp xúc nhưng lại "bỗng dưng" trở thành F0. Họ bắt đầu "bán tín, bán nghi" cho rằng con vật mà họ nuôi đã đi ra ngoài rồi mang virus về, cụ thể ở đây là chó hoặc mèo.
Vậy chó mèo có lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và lây cho người hay không?
Giải đáp vấn đề này, TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, thực tế hiện nay, bệnh COVID-19 chỉ lây trực tiếp qua đường hô hấp giữa người và người, không thể lây từ động vật.
BS Châu cũng khẳng định, cho tới hiện nay, chưa ghi nhận người có thể lây nhiễm COVID-19 cho động vật hay không và ngược lại. Về việc nhiều người khẳng định ở nhà không tiếp xúc nhưng vẫn trở thành F0, BS Châu cho rằng phải xem xét kỹ yếu tố dịch tễ.
"Phải xem kỹ lại lý do mình đã từng tiếp xúc với một người bị nhiễm COVID-19 hay không qua đường hô hấp, hoặc dùng tay tiếp xúc dịch tiết của đường hô hấp trên vật dụng của người bị nhiễm rồi sau đó đưa tay lên mắt mũi, miệng của mình thì mới nhiễm bệnh. Không thể có trường hợp các động vật gì đó (chó, mèo) mà mang COVID-19 lây cho người này, người khác", - BS Châu nói.
TS BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), hiện nay cũng chưa có nghiên cứu nào nói virus SARS-CoV-2 có thể lây từ người sang động vật hay ngược lại.
Tuy nhiên BS Khanh cho rằng, nếu chó, mèo liếm phải thức ăn hoặc dịch tiết hô hấp có chứa virus SARS-CoV-2 mà sau đó chúng ta ôm và để chúng liếm lên mũi, miệng ngay lúc đó thì có thể có khả năng bị nhiễm virus.
"Không nên cho động vật (chó, mèo) ra ngoài khi dịch bệnh đang phức tạp, vì không kiểm soát được chúng có tiếp xúc với những gì, có thể mang virus gây bệnh cho người nếu ta tiếp xúc chúng liền. Nên tắm rửa, vệ sinh cho chúng trước khi tiếp xúc (ôm ấp) nếu chúng ra ngoài", - BS Khanh khuyến cáo.
Hiệp hội thú y thế giới OIE nói gì?
Trên thế giới, Hiệp hội thú y thế giới (OIE) cũng khẳng định, hiện nay chưa có bằng chứng nào cho thấy chó mèo có thể truyền virus SARS-CoV-2 cho người trực tiếp thông qua cơ chế lây truyền như giữa người với người. Tuy nhiên, có một đường truyền nhiễm mà các chuyên gia thú y thế giới đưa ra là: chó mèo có thể làm đường trung gian truyền nhiễm. Cụ thể đó là người mắc Covid19 có thể làm dính các chất dịch tiết lên lông, dây dắt thú, đai dắt và cả lồng vận chuyển thú cưng. Các chất dịch này có khả năng bám trên bề mặt tiếp xúc trong một thời gian và chủ thú cưng tiếp xúc nên có thể dẫn đến lây nhiễm.
Do đó, lời khuyên của chuyên gia là: "Dù chó mèo không lây nhiễm Covid19 cho chủ về mặt sinh học nhưng về mặt cơ học có thể lây nhiễm do là trung gian tiếp xúc. Không nên cho chó mèo ra đường, tránh tiếp xúc với người lạ hoặc người có nguy cơ lây nhiễm trong khi dịch bệnh còn rất căng thẳng như hiện nay"
Tham khảo từ VTC và tổng hợp
Viết bởi Pety
Là thành viên Pety kể từ Thứ Hai, ngày 23 tháng 12, 2019Ứng dụng thú cưng tiên phong tại Việt Nam