Nuôi Chó Mèo Trong Chung Cư Được Luật Pháp Quy Định Ra Sao?
Việc có được phép nuôi những vật nuôi này ở chung cư hay không vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vậy Luật có cấm nuôi thú cưng ở căn hộ chung cư hay không?
Vừa qua, Facebook của tài khoản Nguyễn Hà My (hay còn biết tới với nghệ danh là SAM) vừa đăng tải một thông tin liên quan tới việc chung cư nơi cô đang sinh sống cấm nuôi thú cưng, thậm chí còn gây cho cô nhiều phiền phức xung quanh sự việc trên. Vậy Luật có cấm nuôi thú cưng ở căn hộ chung cư hay không? Cùng Pety tìm hiểu nha.
Nguồn: Ảnh chụp Facebook tài khoản Nguyễn Hà My
Cấm nuôi có phù hợp với quy định, luật pháp của Nhà nước?
Tại Khoản 4 điều 2 phụ lục số 01 mẫu nội quy quản lý ban hành, sử dụng nhà chung cư (Ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) có quy định hành vi “Chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư” là hành vi bị nghiêm cấm trong việc sử dụng nhà chung cư.
Vậy "gia súc gia cầm" bao gồm những động vật nào?
Khái niệm về gia súc, gia cầm theo Luật Chăn nuôi 2018 đều gắn với quy mô và hình thức sản xuất kinh doanh nhất định gồm có: siêu lớn, lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ hộ gia đình. Có thể thấy nội dung quy định phù hợp với tư duy trên, nhưng “thú cưng nuôi để bầu bạn” không đồng nhất về cách hiểu cũng như mục đích nuôi như với “gia súc, gia cầm”.
Như vậy, khi cơ quan chức năng chưa ban hành cụ thể một văn bản hướng dẫn hoặc quy định rõ ràng “cấm nuôi gia súc, gia cầm và thú cưng (chó, mèo, chim, chuột…) trong chung cư” thì việc cấm nuôi chó, mèo và thú cưng nói chung trong chung cư là không có căn cứ pháp luật.
Thực tế cho thấy, Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng chỉ được coi là một mẫu văn bản để Ban quản lý các chung cư tham khảo và xây dựng nội quy riêng cho nhà chung cư của mình. Do đó, khó có thể coi nội dung trong Mẫu nội quy nêu trên là một quy định của pháp luật. Việc cấm nuôi chó, mèo ở chung cư hay không phụ thuộc vào nội quy riêng của từng chung cư, được xây dựng dựa trên sự thống nhất với các cư dân chung cư đó.
Có những chung cư nghiêm ngặt việc nuôi chó, mèo, do lo ngại mất vệ sinh chung hoặc gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới an toàn của những người sống tại chung cư nhưng cũng có chung cư có quy định “cởi mở” hơn, tạo điều kiện cho những người yêu thích chó, mèo sống cùng thú cưng của mình.
Những lưu ý cho chủ thú cưng khi ở chung cư
Người nuôi thú cưng nói chung, và chủ nuôi trong chung cư nói riêng cũng cần phải nắm quy định pháp luật để đảm bảo việc nuôi chó, mèo, thú cưng trong chung cư được phù hợp.
Thứ nhất:
Đối với chung cư được phép nuôi thú cưng thì việc nuôi thú cưng nhằm mục đích kinh doanh (mua, bán) sẽ bị xếp vào nhóm gia súc, gia cầm theo quy định và tùy mức độ thiệt hại có khả năng bị yêu cầu giải tán, bồi thường và buộc di dời ra khỏi chung cư. Hình thức xử lý vi phạm cụ thể sẽ do ban quản lý chung cư xây dựng dựa trên Điều 8 Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, các biện pháp cắt điện, cắt nước…có khả năng được áp dụng.
Thứ hai:
Đối với chủ nuôi chó, mèo cần thực hiện các biện pháp bảo đảm cho thú cưng của mình để tránh những rủi ro không đáng có xảy ra. Căn cứ Điều 66 Luật chăn nuôi 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2020) về việc Quản lý nuôi chó, mèo quy định như sau:
- Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
- Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
- Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
- Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tham khảo một số Quy định nuôi Chó, Mèo ở nước ngoài
Nuôi thú cưng tại Singapore
Đạo luật nuôi thú và chim quy định người nuôi chó hơn 3 tháng tuổi phải đăng ký cấp phép và mỗi người chỉ được nuôi tối đa 3 con ngoại trừ trang trại, cơ sở kinh doanh. Chỉ được nuôi tối đa 1 con chó thuộc giống nguy hiểm như Pitbull, Alaska…và phải triệt sản, được cấy chíp, trải qua huấn luyện.
Tại Nhật Bản: Cần phải đăng ký nhận nuôi Chó, chứng minh tài chính thu nhập, chứng minh căn hộ đủ tiện nghi cách âm, tiêm chủng định kỳ và bắt buộc gắn chíp theo dõi trên Chó.
Nuôi thú cưng tại Anh
Tất cả chủ nuôi chó đều phải đăng ký và gắn chip lên Chó để theo dõi tình trạng, tiêm phòng, y tế. Nghiêm cấm hành vi thả rông, nếu gây thương tích cho người thì chủ chó bị phạt tiền và có thể ngồi tù tới 5 năm, vật nuôi có thể bị tiêu hủy.
Nuôi thú cưng tại Mỹ
Tại Mỹ Chó được coi như công dân và có cấp thẻ căn cước để theo dõi tiêm phòng, y tế để đảm bảo sức khỏe nếu ra đường. Hạn chế danh mục các loại chó nguy hiểm, bắt buộc xích, giọ mõm và cấy chíp.
Nuôi thú cưng tại Thuỵ Sỹ
Tại Thụy Sỹ, phải tham gia khóa học huấn luyện nuôi chó mèo, được đào tạo và kiểm tra sau đó thực hành. Người nuôi sẽ được dạy cách chăm sóc chó mèo, đi vệ sinh đúng chỗ. Các loại chó ở đây đều được gắn chíp và theo dõi.
Viết bởi Pety
Là thành viên Pety kể từ Thứ Hai, ngày 23 tháng 12, 2019Ứng dụng thú cưng tiên phong tại Việt Nam